Mảnh đất Sơn La thơ mộng, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều điều lý thú. Cảnh quan, con người và ẩm thực Tây Bắc níu chân, níu lòng người. Những dư vị ngon lạ, khó quên của ẩm thực, của thịt trâu gác bếp, của bê chao, nậm pịa, của những đêm say nồng bên chén rượu ngô, cảm xúc dâng tràn đến lạ lùng.
Bên bếp lửa bập bùng, du khách miền xuôi được thưởng thức những miếng thịt trâu gác bếp hòa cùng rượu ngô là một khám phá đặc biệt tại miền sơn cước hữu tình này.
Thịt trâu gác bếp Tây Bắc
Phảng phất mùi khói bếp, thơm lừng mắc khén, gia vị của núi rừng
Thịt trâu gác bếp là món ăn được phơi khô, mang hương vị đặc trưng, là món đặc sản của bà con người Thái. Thịt thường được làm từ thịt bắp của con trâu, được lọc ra thành từng miếng dọc theo thớ, ướp gia vị là muối, gừng, ớt, mắc khén, rồi hun bằng khói than củi lấy trong rừng.
Hun khói cho đến khi miếng thịt khô đen lại, thấm gia vị là lúc có thể thưởng thức thịt trâu gác bếp. Thông thường hun khói khoảng 2 tháng liền thì những tảng thịt nhỏ sẽ ăn được, còn những tảng thịt to thì phải để lâu hơn. Khói từ gỗ của cây rừng có mùi nồng nồng, ngái ngái ám vào miếng thịt, sẽ tạo ra những vị rất lạ cho món ăn này.
Ăn thịt trâu gác bếp như thế nào?
Khi ăn thịt trâu gác bếp, thịt được xé nhỏ theo thớ, bày lên mâm cỗ, chấm cùng chẳm chéo hoặc đem nấu, hầm thành nhiều món ăn. Miếng thịt còn nguyên gia vị trên bề mặt, có mùi rất đặc biệt, khô nhưng vẫn ngọt, cay tê vị gừng, ớt, mắc khén, thơm nồng nhưng không bị hôi khói.
Miếng thịt khi mang ra dùng được xé nhỏ, vẫn đượm màu hồng đậm của thịt, thớ dài và đều, ướp gia vị đến tận những thớ thịt nhỏ, thấm vị ngon nơi đầu lưỡi. Nếu chấm thịt trâu gác bếp với chẳm chéo thì sẽ cảm nhận rõ vị ngon của thịt hơn là đem hầm hay nấu.
Nhâm nhi miếng thịt với bát rượu ngô thơm lừng, nhất là trong những ngày đông giá rét của cao nguyên lộng gió, để cảm hết vị thơm, vị ngon, vị nồng của thịt, để nhớ mãi không quên mảnh đất Sơn La này.