Đại diện cho một khía cạnh quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, triết lý Mottainai hướng tới việc không lãng phí đang được cả thế giới quan tâm và áp dụng để xây dựng nên một xã hội bền vững, có trách nhiệm.
Mottainai là gì?
“Mottainai – もったいない” là một thán từ trong tiếng Nhật, nôm na là “lãng phí quá”. Cụ thể hơn, nó thể hiện sự thất vọng, thậm chí là chán ghét của một người khi nhìn thấy một đồ vật hay tài nguyên nào đó bị bỏ phí. Xuất hiện thường xuyên trong giao tiếp hằng ngày của người dân xứ Phù Tang, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em ở quốc gia này đã được ông bà, cha mẹ chỉ dạy thế nào là “Mottainai” thông qua sinh hoạt đời thường.
Kể từ thời Edo (1603-1868), tinh thần Mottainai với cốt lõi là trân trọng tất cả những gì tồn tại trên Trái đất, không được phí phạm những thứ dù là nhỏ nhặt nhất đã được truyền lại cho biết bao thế hệ người Nhật, như lời nhắc nhở của người xưa về lòng biết ơn với những gì ta may mắn sở hữu.
Với một quốc gia hạn hẹp về tài nguyên, thiên tai thường xuyên xảy đến, lại có hơn hai thế kỷ đóng cửa với nước ngoài thì việc tiết kiệm, giữ gìn, tái sử dụng và tái chế trở thành cách để người Nhật vượt qua những thiếu thốn. Và cũng chính tinh thần này đã giúp người Nhật đi qua hai cuộc chiến tranh và vươn lên mạnh mẽ về kinh tế.
Thực hành Mottainai có thể được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống con người, từ trong gia đình với việc không để thừa hạt cơm nào trong bát, không lãng phí nguồn nước sạch, hay như cách chiếc c được dùng để gói, đựng đồ đạc và có thể tái sử dụng nhiều lần.
Còn trong nghệ thuật và thủ công, Mottainai biểu hiện ở việc tận dụng kimono cũ để làm quạt, làm dép nuno zori, và đỉnh cao phải kể đến nghệ thuật Kintsugi – dùng sơn mài cùng bột vàng, bạc để sửa chữa gốm vỡ, vừa phục hồi được món đồ bị hư hại, vừa khiến nó trở nên đẹp đẽ như một tác phẩm nghệ thuật đậm tính Wabi Sabi.
Mottainai và mối liên hệ với Phật giáo, Thần đạo
Nhiều người cho rằng Mottainai có nguồn gốc từ Thần đạo (Shinto) – tôn giáo bản địa của người Nhật. Trong Thần đạo, có một niềm tin cho rằng mọi vật đều có linh hồn (Kami) trú ngụ bên trong. Ý tưởng cho rằng con người là một phần của tự nhiên và cần thiết phải duy trì mối quan hệ hài hòa với tự nhiên là cốt lõi của tín ngưỡng này.
Theo niềm tin đó, Kami không chỉ tồn tại trong đất, nước, cây cối… mà ngay cả trong những đồ vật do con người tạo ra cũng vậy. Điển hình là câu chuyện về Tsukumogami, nôm na là linh hồn của những đồ vật. Người ta tin rằng khi một món đồ phục vụ chủ nhân được 100 năm, nó sẽ trở nên có linh hồn.
Có lẽ do ảnh hưởng bởi những câu chuyện về Tsukumogami mà ở đất nước mặt trời mọc, quan niệm trân trọng những đồ vật được sử dụng hằng ngày đã trở nên phổ biến từ lâu đời. Cũng từ đây, một nền văn hóa mà trong đó người ta tiếp tục sử dụng và tái sử dụng các đồ vật cũ theo nhiều cách khác nhau đã được hình thành.
Một quan niệm phổ biến khác là Mottainai xuất phát từ triết lý nhà Phật. Tu tập Phật giáo nhấn mạnh vào việc thực hành tiết kiệm để tập trung đạt được giác ngộ. Trên thực tế, những câu chuyện về lối sống khổ hạnh trong Phật giáo không phải là hiếm, và những câu chuyện như vậy càng củng cố niềm tin về nguồn gốc của Mottainai.
Người Edo thực hành Mottainai như thế nào?
Ngược dòng thời gian trở về thời Edo (1603-1868), khi nguồn cung hàng hóa và năng lượng khan hiếm, người dân bấy giờ thường xuyên tái chế và tái sử dụng, tạo nên một xã hội tuần hoàn không có chỗ cho sự lãng phí.
Ngày nay, Nhật Bản phụ thuộc 78% vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác, con số này với thực phẩm (tính theo giá trị calo) là 60%, và 82% với lượng gỗ tiêu thụ. Nhưng trong khoảng 250 năm của thời kỳ Edo, đất nước mặt trời mọc đã có thể tự cung tự cấp mọi tài nguyên trong bối cảnh đất nước thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng.
Nếu như Nhật Bản của thời hiện đại đang thúc đẩy tái chế các sản phẩm và vật liệu hết hạn sử dụng, chủ yếu để giảm gánh nặng cho các bãi chôn lấp và ngăn chặn khí thải dioxin cùng những hóa chất độc hại khác từ lò đốt rác, thì người dân thời Edo lại tái chế hàng hóa và vật liệu vì một lý do khác: họ có rất ít ngay từ đầu.
Do đó, mọi thứ đều được coi là tài nguyên quý giá, bao gồm cả những thứ trông có vẻ vô dụng như tro bếp. Và vì đồ mới đắt đỏ không phù hợp với túi tiền của dân thường, nên đa phần hàng hóa “hết hạn sử dụng” cũng không được xem là rác thải mà sẽ được tái sử dụng, tái chế theo nhiều cách khác nhau.
Trang phục của tầng lớp bình dân trong thời Edo là quần áo cũ, hoặc đã qua sửa chữa nhiều lần. Đến khi không còn có thể tự sửa được nữa, họ sẽ đem bán chúng cho các cửa hàng quần áo cũ. Tại đây, áo quần được tháo rời thành các bộ phận hoặc được thợ chuyên nghiệp sửa bằng các kỹ thuật chuyên môn rồi đem bán lại. Ở thời bấy giờ, các quầy hàng chuyên bán đồ cũ tập trung dọc theo bờ phía nam của sông Kandagawa, xung quanh khu vực Akihabara ngày nay.
Trong thời kỳ của tái chế và tái sử dụng này, nhiều nghề nghiệp đặc thù (và có phần kỳ lạ) đã ra đời, chẳng hạn: người sửa chữa xoong nồi, người thu mua ô cũ (để sửa chữa và bán lại), người thu mua tro (để cải tạo đất, bón phân, chế biến thuốc nhuộm và rượu sake), người thu mua giấy cũ (để tái chế), người thu mua sáp nến sau khi đốt (để tái sử dụng)…
Nhật Bản trong thời kỳ Edo có thể đóng vai trò là hình mẫu của một xã hội bền vững. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của đất nước mặt trời mọc trong giai đoạn này chứng tỏ rằng, nền tảng của phát triển bền vững không phải là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt để hướng đến sự thuận tiện như hiện tại, mà nó nằm ở việc sử dụng tối ưu các nguồn lực hạn chế.
Trí tuệ của người xưa trong đời sống hiện đại
Mặc dù Mottainai là một triết lý tốt đẹp hướng đến sự bền vững, nhưng khó để nói rằng liệu xã hội Nhật Bản có đang thực sự sống theo tiêu chuẩn này trong thời hiện đại. Nổi tiếng là đất nước sạch sẽ nhưng Nhật Bản vẫn đang gặp vấn đề với nhựa khi xếp thứ 2 trong số các quốc gia thải nhựa nhiều nhất thế giới, dù tỷ lệ tái chế của họ lên đến 85%.
Bao bì tại đất nước mặt trời mọc thường được đánh giá là “quá đà” với nhiều lớp bọc, hộp đôi khi không cần thiết… Và lãng phí thực phẩm cũng là một vấn đề nghiêm trọng Nhật Bản đang phải đối mặt.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Nhật bắt đầu nhận ra rằng trong thời kỳ Edo, đất nước của họ đã làm được cái mà ngày nay chúng ta công nhận là “xã hội bền vững”. Dân cư ổn định, xã hội không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên từ bên ngoài. Nhiều người hiện đang cố gắng tìm hiểu thêm về hệ thống xã hội thời bấy giờ và áp dụng “trí tuệ thời Edo” cùng triết lý Mottainai trong cuộc sống đương đại.
Có một thị trấn đã làm được điều này, và câu chuyện về nơi đây đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Đó là Kamikatsu, một thị trấn nhỏ yên bình ở tỉnh Tokushima, trên đảo Shikoku. Vào năm 2003, họ tuyên bố mục tiêu trở thành thị trấn “zero-waste” và hiện tại đã thành công tái chế được đến hơn 80% rác thải của mình.
Tại đây, người dân được khuyến khích phân chia rác thành 45 loại để dễ dàng tái chế, mỗi hộ gia đình cũng đều được cung cấp máy ủ rác để ủ phân hữu cơ từ thức ăn thừa. Một cửa hàng đồ cũ là nơi người dân chia sẻ những món đồ mình không còn sử dụng và mang về nhà thứ họ cần.
Kamikatsu Zero Waste, trung tâm tái chế của thị trấn được xây dựng từ rác, đó là cửa sổ cũ, đồ thủy tinh, gốm vỡ… được đóng góp bởi người dân, chỉ trừ một số hạng mục như vật liệu làm mái nhà, kim loại để chống thấm, bu lông, ốc vít… đều phải là đồ mới để tuân thủ các quy tắc trong xây dựng.
Nhiều nỗ lực từ chính phủ và chính quyền địa phương Nhật Bản cũng đã được triển khai, như việc cắt giảm tối đa nhựa dùng một lần, ban hành luật chống lãng phí thực phẩm, trong đó quy định trách nhiệm của cả chính phủ và chính quyền địa phương trong việc giảm thất thoát lương thực…
Wangari Maathai – người lan tỏa tinh thần Mottainai ra thế giới
“Mottainai” tuy giữ vai trò trung tâm trong đời sống của người Nhật từ xa xưa, nhưng với thế giới, thuật ngữ này chỉ bắt đầu phổ biến sau khi được lan tỏa bởi nhà hoạt động xã hội và môi trường người Kenya từng nhận giải Nobel Hòa Bình – bà Wangari Maathai (1940 – 2011).
Sau khi đến thăm Nhật Bản vào tháng 02/2005 và ấn tượng sâu sắc với triết lý Mottainai, bà quyết định hợp sức với các tổ chức ở Nhật để đưa Mottainai ra thế giới, với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề lãng phí.
Với sự hỗ trợ từ tòa soạn The Mainichi và tập đoàn Itochu, “Chiến dịch Mottainai” (Mottainai Campaign) đã ra đời. Dựa trên nguyên tắc 3R (Reduce – Reuse – Recycle) đã nổi tiếng với cộng đồng, một chữ R nữa được thêm vào để định nghĩa “Mottainai”, đó là “Respect” (Sự tôn trọng) dành cho nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái đất.
Cho đến khi qua đời vào năm 2011 vì bệnh ung thư, bà Wangari vẫn tích cực đấu tranh vì môi trường, truyền bá nhận thức về Mottainai và lối sống bền vững đến cộng đồng. Sinh thời, bà từng nói: “Mottainai là một từ ngữ tuyệt vời, chưa từng xuất hiện ở đâu trên thế giới”.
Chợ trời và lối sống “Mottainai” của người Nhật
Mottainai (Đừng lãng phí) là cách tiếp cận của riêng người Nhật Bản với khái niệm đồ bỏ đi, chất thải nhằm mục đích nâng cao nhận thức về môi trường. Mottainai thể hiện qua các hoạt động: giảm lạm dụng, tái sử dụng, tái chế và tôn trọng.
Nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho các bà nội trợ, du học sinh tiết giảm chi tiêu trong cuộc sống. Khi gia đình có nhiều quần áo cũ, các bà nội trợ thường nghĩ đến việc mang quần áo tới chợ trời Mottainai để bán hoặc đổi lấy những đồ vật khác mà mình đang cần tới thay vì bỏ đi. Các mặt hàng bán tại chợ trời khá đa dạng, chủ yếu là quần áo, giày dép, sách, đồ gốm, mỹ phẩm, đồ điện tử…; trong đó có nhiều sản phẩm mới chưa qua sử dụng. Chợ trời thường diễn ra ở công viên, sân vận động hoặc gần chùa, đền… và thường bố trí một khu bán ẩm thực đường phố bên cạnh.
Một trong những khu chợ trời nổi tiếng nhất là ở Akihabara với vô số những đồ vật, trang phục được rao bán với tạo hình từ các nhân vật trong phim hoạt hình nổi tiếng. Bên cạnh đó, còn có những khu chợ trời với quy mô lớn mua bán những vật dụng dành riêng cho phụ nữ với nhiều sản phẩm đa dạng: Quần áo, giày dép, phụ kiện, truyện tranh, mỹ phẩm… thu hút khoảng từ 3.000 đến 10.000 khách mỗi ngày.
Thú vị nhất là những khu chợ trời chỉ dành riêng cho trẻ em trên 12 tuổi. Các em sẽ được học cách bày bán đồ chơi và dụng cụ học tập chúng không còn sử dụng đến và cũng không muốn giữ lại, tính toán và trao đổi tiền bạc trực tiếp với nhau. Đó là một kinh nghiệm sẽ giúp ích bọn trẻ rất nhiều trong xã hội của người lớn sau này.
Với hầu hết các du học sinh tại Nhật, các khu chợ đồ cũ luôn là địa điểm quen thuộc mỗi khi có nhu cầu mua sắm. Những nơi thường được các bạn sinh viên lui tới là Meiji và chợ đồ cũ baza ở Shinjuku. Thay vì phải bỏ ra hàng chục nghìn Yên cho một chiếc xe đạp, nếu khéo chọn thì chỉ với chừng 6000 – 7000 Yên cũng đã có một “chú ngựa sắt” ưng ý.
Nơi trao đổi niềm vui và gắn kết mọi người
Chợ trời không giống như một cửa hiệu – nơi luôn có một khoảng cách nhất định giữa chủ tiệm và khách hàng. Chợ trời là nơi thú vị nhất để bạn làm quen với nhiều người và có thêm niềm vui. Người mua và người bán cũng sử dụng internet để chia sẻ những thông tin và hình ảnh của những vật dụng mà họ muốn mua bán và kết bạn với nhau.
Điểm nổi bật khiến chợ đồ cũ ở Nhật trở nên khác biệt với chợ ở các quốc gia khác trên thế giới là một số người bán tham gia chợ với mục đích từ thiện, miễn phí một số sản phẩm mà họ bày bán. Anh Lee Sung Wan, một du học sinh Hàn Quốc cho biết: “Chợ trời mà tôi từng tham gia được tổ chức tại một trường tiểu học. Được biết, hàng hóa bán tại hội chợ là do người dân địa phương và gia đình của các em học sinh đóng góp, phụ huynh sẽ là người bán. Toàn bộ số tiền thu được họ đã dành cho các hoạt động từ thiện. Có thể nói đây là một chương trình nhân văn mà thầy cô – cha mẹ có thể dạy trẻ em bài học về sự tiết kiệm, về sự cho và nhận trong cuộc sống này”.
10 khu chợ trời nổi tiếng ở Nhật:
Kushiro (Hokkaido); Uwajima (Ehime); Funabashi (Chiba); Adachi (Tokyo); Shimoda (Shizuoka); Izumisano (Osaka); Karatsu (Saga); Nishio (Aichi); Makurazaki (Kagoshima); Miyakojima (Okinawa).