Làng vườn Bách Thuận (xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) xưa nay nổi tiếng với không gian xanh trong lành, cây trái sum suê. Đặc biệt, nơi đây còn có chợ làng-chợ Thuận Vi nổi tiếng với các thức quà bánh ngon lành, mang đậm phong vị làng quê.
Thông thường, chợ quê họp theo phiên nhưng chợ Thuận Vi sáng nào cũng họp, đông đúc và sầm uất chẳng khác gì chợ thành phố.
Người dân làng vườn khéo tay, hay làm, sành thưởng thức, cho nên đặc điểm nổi bật là mặt hàng quà bánh chiếm tới hai phần ba chợ. Bánh quà nhiều là thế nhưng ngon và rẻ nên hễ ai trễ nải ngủ lười, không chịu ra chợ sớm, thì chỉ khoảng 8 giờ sáng, sẽ chẳng còn gì để mua.
Các món bánh quà buổi sáng giúp người dân làng vườn “ấm bụng” và yên tâm bắt đầu một ngày lao động, học tập tại chợ làng-chợ Thuận Vi mà người dân gọi là “chợ Nhà”. Chợ làng vườn Bách Thuận, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình).
Một trong những món bánh độc đáo nhất của chợ Thuận Vi là món bánh tai mèo hay bà con quen gọi bánh tai voi, bánh xếp, bánh hấp. Bánh là những lá bột mỏng xếp từng lớp chồng lên nhau, cứ mỗi lớp lá bột là một lượt thịt băm nhỏ xào với hành phi thơm lừng.
Bánh được hấp bằng chõ sành trên bếp củi, đòi hỏi người làm bánh phải có kỹ thuật, kinh nghiệm dày dặn thì bánh mới chín mềm, không bị sống, nát bánh.
Bánh ngon, nóng nên trước kia, bà con ưu tiên loại bánh này cho cụ già, người ốm và sản phụ sau sinh. Bà Trịnh Thị Phi, thôn Liên Hồng chia sẻ, gia đình bà có 3 chị em đều bán bánh tai mèo ở chợ Nhà từ hàng chục năm nay.
Làm món bánh này cầu kỳ, vất vả, gia đình bà phải thức dậy từ 2 giờ đêm, vừa làm vừa hấp bánh, sao cho đến 5 giờ sáng phải có từ 2 – 3 chõ bánh nóng hổi mang đến chợ. Tuy vất vả nhưng bánh ngon, dân làng yêu thích, bánh ra đến đâu hết đến đấy, bà Phi rất phấn khởi. Mỗi ngày, bà Phi làm 15 – 20kg gạo, thu nhập từ 300 – 400 nghìn đồng.
Bánh được gói bằng lá dong vừa an toàn vừa mang hương vị riêng.
Bánh cuốn cũng là một đặc sản của chợ Thuận Vi. Xen giữa chợ, những chiếc bếp than, bếp củi đỏ rực lửa được dùng để tráng bánh cuốn nóng ngay tại chỗ.
Anh Nguyễn Như Nam, người dân xã Bách Thuận chia sẻ, anh đã ăn bánh cuốn ở nhiều nơi nhưng bánh cuốn chợ Thuận Vi mang hương vị rất riêng, không giống nơi nào.
Bánh ở chợ có độ mỏng vừa phải, cuộn lẫn tóp mỡ, hành khô phi thơm lừng, khi ăn cuộn lẫn rau thơm, ngập vào nước chấm vị mặn mặn, chua, ngọt, cay cay, vị dẻo dai của bánh, giòn của tóp mỡ, hành khô quyện với rau mùi, quất, hạt tiêu tạo sức hấp dẫn lạ kỳ của món bánh cuốn quê hương. Bánh cuốn ở đây ngon nổi tiếng và giá rất rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng thì một người ăn no nê.
Bánh cuốn Thuận Vi nức tiếng xa gần, bánh được tráng ngay tại chợ.
Bánh bèo chợ Thuận Vi là món bánh được nấu gần giống bánh đúc nhưng được đổ trong chiếc lá chuối cuốn tròn, có một lỗ nhỏ ở giữa chứa hành mỡ phi, nhìn từ trên xuống giống như chiếc lá bèo bồng. Người làng Thuận Vi quen dùng mắm ớt để chấm khi ăn bánh bèo.
Mỗi chiếc bánh bèo 5.000 đồng, trẻ nhỏ, người già thông thường chỉ ăn 1 chiếc là đã no. Món bánh dân dã, rẻ tiền nhưng để lại thương nhớ trong lòng bao người dân làng vườn khi phải xa quê hương. Nếu có dịp về thăm quê, ai cũng phải nhắc nhỏm đi chợ sớm mua bánh bèo kẻo hết.
Xôi đỗ đen nhiều chợ cũng bán nhưng ở chợ Thuận Vi, xôi đỗ đen lại được nắm thành từng nắm rồi rưới hành khô phi mỡ, khi ăn rắc thêm chút muối vừng, vừa bùi vừa ngậy.
Bánh khoai thì được nấu từ gạo nếp, đỗ đen và có thêm khoai lang phơi khô, khi nấu chín nghiền nhuyễn thành những miếng bánh, có thể nắm tròn hoặc cắt thành lát mỏng, vị ngọt nhẹ, thơm nồng của khoai, đỗ khiến món bánh mang đậm vị quê. Tấm bánh đúc trắng mềm, núng nính, có vị bùi bùi của lạc, béo béo của hành mỡ phi.
Bánh kê thì được nấu từ gạo nếp và hạt kê nên rất dẻo thơm, khi ăn rắc 1 thìa đường nhỏ xíu và một chút đậu xanh, kẹp hai bên là 2 miếng bánh đa nướng giòn rụm, vị ngọt nhẹ, cũng là thức quà quê dân dã được nhiều người yêu thích, đặc biệt lớp người cao tuổi…
Những chiếc bánh mật, bánh nếp được gói ngay ngắn, gọn gàng, giá cả chỉ vài nghìn đồng một chiếc.
Một trong những thứ bánh làm nên thương hiệu “khéo tay” của các bà, các chị người làng Thuận Vi chính là món bánh giầy giò, bánh giầy đỗ. Bánh giầy trắng muốt, mịn màng, kẹp 1 lát giò vừa đủ, hai bên dán bằng chiếc lá chuối xanh, hương lá chuối hòa lẫn hương gạo nếp, thật khó có thể tả hết độ ngon, nhất là khi đói.
Bánh giầy này có giá chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/cặp. Bánh giầy đỗ thì có vị ngọt nhẹ, bao quanh nhân đậu xanh nghiền là lớp bột mỏng, dẻo thơm, giá chỉ từ 1.000 – 2.000 đồng/cái. Bánh giầy giò và giầy đỗ ở chợ Thuận Vi ngon nổi tiếng, tới nỗi mỗi khi có tiệc cỗ, bà con gần xa đều tìm đến Thuận Vi để đặt bánh.
Bánh giầy đỗ cũng là một sản vật thể hiện đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị làng vườn.
Hơn 40 năm bán các loại xôi, bánh ở chợ Thuận Vi, có lẽ đã quá quen thuộc sở thích của từng người, bà Nguyễn Thị Thanh chẳng mấy khi cần hỏi, chỉ ngẩng lên nhìn khách rồi cúi xuống chõ xôi, nhanh tay gói hàng.
Những đùm xôi, bánh nóng hổi gói trong những chiếc lá dong xanh, mùi thơm của bánh quyện với mùi lá dong thơm ngát, tự nhiên, hấp dẫn vô cùng. Ngoài xôi đỗ đen, xôi bánh hấp, bà Thanh còn bán bánh khoai, bánh chưng, bánh mật, bánh nếp, bánh tẻ…
“Ngày trước, các bà, các chị đi chợ Nhà ăn bánh, ăn quà thì sợ chị chê cười, ngượng ngùng lắm, ngồi ngoảnh mặt vào trong rồi kéo cái nón che kín mặt, ăn vội vàng đồng bánh rồi tất tả về làm vườn. Nhưng bây giờ văn minh hơn, từ người già đến người trẻ, nam giới hay phụ nữ đều ngồi vào hàng ăn bánh đàng hoàng, ấm bụng rồi mới đi học, đi làm” – bà Thanh tủm tỉm kể lại chuyện xưa.
Sinh sống và công tác tại Hà Nội nhiều năm nay, chị Phạm Thị An, 37 tuổi, thôn Chiến Thắng chia sẻ: Tuổi thơ của tôi gắn với những món bánh dân dã ở chợ Nhà với bao kỷ niệm một thời thiếu thốn nhưng đầy ắp tình yêu thương của bà, của mẹ và bạn bè. Giờ đây, đồ ăn rất sẵn, phong phú nhưng với tôi, những món bánh quà ở chợ quê luôn mang hương vị riêng, hấp dẫn mà không nơi đâu có được.
Bỏ lại sau lưng bộn bề cuộc sống, bạn hãy một lần thong thả đạp xe trên những con đường xanh quanh co, uốn lượn của làng vườn Bách Thuận, hít hà mùi hương của cây lá rồi dạo bước vào chợ quê – chợ Thuận Vi, thưởng thức những thức quà bánh bình dân, ngon lành, hấp dẫn, chắc hẳn sẽ có cảm giác thú vị, bình yên và ấm áp vô cùng.