Nếu như nhiều nơi, kiến vàng thường bị tiêu diệt chẳng có tích sự gì thì ở vùng đất cằn cỗi Krông Pa (tỉnh Gia Lai), loại kiến này lại được người đồng bào Jrai săn đón vì đó chính là món ăn yêu thích của họ. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã biết ăn kiến và mê mẩn với loại thực phẩm này.
Để có kiến vàng, từng đoàn người phải lặn lội vào rừng để bắt, thậm chí hình thành đường dây thu mua kiến để làm món đặc sản.
Vào rừng bắt kiến
Đến ngã 3 thôn Mê Linh (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), chúng tôi bắt gặp một tốp người đang ùn ùn chạy xe máy theo hướng vào rừng, trên người mang theo con rựa và chiếc bao tải.
Những người này bật mí, họ vào rừng để bắt kiến vàng. Khi chưa kịp hỏi bắt kiến ở đâu, để làm gì thì những người này đã phóng mất dạng, dù có rượt theo cũng không đuổi kịp.
Chúng tôi được giới thiệu tìm gặp ông Nay Mơ (buôn Ngôm, xã Chư Drăng), một thổ địa, cũng là một tay bắt kiến vàng siêu hạng. Biết chúng tôi có ý muốn đi cùng, ông vội gom đồ nghề rồi ra hiệu cho chúng tôi leo lên xe để bắt đầu cuộc hành trình vào rừng săn kiến.
Vừa lái xe, ông Mơ vừa kể: “Mình đi bắt kiến vàng về ăn từ cách đây khoảng 30 năm trước. Hồi đó thấy người ta đi bắt thì mình cũng đi. Kiến có thể bắt quanh năm, nhưng kiến ngon nhất là từ tháng 12 đến tháng 3 vì lúc đó kiến có trứng, ăn sẽ béo hơn”.
Chiếc xe di chuyển hơn 5km, khi đến bìa rừng cạnh con suối Uar, đoạn qua địa bàn buôn Nung, xã Chư Drăng thì ông Mơ dừng lại. Ông đưa bàn tay chỉ về phía hàng cây nằm cạnh suối rồi nói lớn: “Khu này cây rậm, có nhiều kiến và chưa ai bắt. Giờ đi bộ vào các lùm cây để tìm kiến thôi”.
Nói rồi, ông Mơ rảo bước vào các lùm cây rậm rạp. Vừa đi, ông vừa đưa mắt ngó nghiêng lên các cành cây để tìm tổ kiến. Đang đi, người ông khựng lại ở gốc cây to bằng nửa thân người, vầng trán bỗng nhăn lại, còn tay chỉ thẳng vào khối đen bám trên cành cây rồi hô lớn: “Tổ kiến đây rồi”.
Nhanh như cắt, người đàn ông thoăn thoắt đu mình lên cành cây rồi áp sát tổ kiến. Ông dùng con rựa cắt cành cây to bằng ngón tay nơi kiến làm tổ rồi nhanh chóng cho hết vào bao trước khi khi cột chặt miệng bao lại. Xong xuôi, ông lại nhảy tót xuống mặt đất.
“Còn 2 tổ nữa nhưng cao quá, nằm tận trên đọt. Muốn lấy được thì phải cắt cành cây lớn nhưng sợ ảnh hưởng đến cây nên mình không bắt”, ông Mơ vừa giải thích vừa lau vội những giọt mồ hôi đang chảy trên trán.
Sau một hồi giải lao, ông Mơ tiếp tục băng cắt qua nhiều khu rẫy, quả núi để săn kiến. Nhiều tổ kiến nằm trên cây lần lượt được ông trèo lên tóm gọn cho vào bao. Có những lúc, khi trèo lên cây, cành bị rung, kiến bò lổm ngổm ra khỏi tổ và lao đến cắn vào tay, cổ của ông.
“Mấy chục năm đi bắt, chuyện bị kiến cắn diễn ra như cơm bữa. Cắn nhiều quen rồi nên thấy bình thường”, ông Mơ kể.
Đến trưa cùng ngày, khi mặt trời lên đỉnh núi cao, ông Mơ ra hiệu quay về với một bao chất đầy tổ kiến.
Theo những người hay đi bắt kiến, kiến vàng sống nhiều nơi, có thể trong vườn gần nhà, trong rẫy hay rừng. Tuy nhiên, muốn có được kiến sạch, ngon thì họ chấp nhận vào trong rẫy hoặc rừng để bắt vì chỗ đó xa khu dân cư, kiến không ăn tạp chất.
Tuy nhiên, điều người dân kỵ nhất khi đi bắt kiến đó là không được tàn phá rừng xanh. Anh Rơ Căm Sáu (buôn Chai, xã Chư Drăng), nói: “Nhiều lần già làng căn dặn rất kỹ người trong làng là khi đi bắt kiến, không được phá rừng. Những lời già làng căn dặn mình đều nhớ rất rõ. Vì thế, bao năm đi bắt kiến nhưng mình không dám chặt phá cây rừng để bắt dù có nhiều cây kiến làm tổ dày đặc. Mình cho rằng nếu phá rừng thì ngoài ảnh hưởng môi trường sống, kiến sẽ bỏ đi không làm tổ nữa, khi đó người dân sẽ không có kiến để bắt”.
Đặc sản xứ đất cằn
Trong lúc ngồi nghỉ bên vệ đường, ông Mơ cầm một tổ kiến còn nguyên cành cây trên tay rồi bảo mỗi tổ thì bên trong sẽ có số lượng kiến khác nhau tùy kích thước ổ.
Để tách kiến ra khỏi tổ thì có nhiều cách, trong đó, phương án được nhiều người sử dụng là cho tổ vào chiếc nồi đang hơ lửa. Hơi nóng của lửa sẽ khiến đàn kiến bò ra khỏi tổ trước khi lăn ra nồi chết. Khi đó, người dùng chỉ làm công việc đơn giản là gom kiến lại thành từng túi.
Kiến sau khi tách ra khỏi tổ có thể chế biến bằng nhiều cách, như đối với kiến tươi thì dùng để làm gia vị trong khi nấu canh chua với cá, thịt hoặc làm gia vị trong các món gỏi. Riêng đối với kiến vàng đã phơi khô thì giã ra làm muối kiến để ăn với cơm, hoặc để chấm ăn kèm với các loại thực phẩm khác.
“Thú thật tôi cũng chả biết dân làng ăn kiến từ lúc nào, chỉ biết hầu hết cả làng đã từng bắt kiến về ăn. Sở dĩ người đồng bào chúng tôi thích ăn kiến vàng bởi nó có vị chua, béo, ăn rất ngon, nó khác với vị chua của chanh và mùi vị rất đặc biệt, ăn là thích. Cá có vị tanh mà khi nấu canh, bỏ thêm ít kiến là khử được mùi tanh của cá. Một số người có mối thì họ bắt kiến về bán. Riêng gia đình tôi, do không có mối nên có thời điểm bắt về nhiều, gia đình ăn một lần không hết thì phơi khô làm muối để dành ăn cả tháng”, ông Mơ kể.
Ông Mơ cũng tin rằng, ngoài làm thức ăn, thịt kiến vàng còn có công năng tẩy được giun sán trong người. “Tôi từng nghe bố kể ăn kiến vàng trước khi ăn cơm sẽ chữa được giun sán. Bản thân tôi đã từng bị giun sán và ăn kiến vàng thì hôm sau giun sán từ bụng đi ra ngoài nên tôi nghĩ có công dụng đó nữa”, ông Mơ thổ lộ.
Không chỉ bắt kiến vàng về sử dụng trong gia đình mà người dân còn bắt kiến vàng để bán, góp phần hình thành món đặc sản ở vùng đất cằn Krông Pa. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, cho biết, kiến vàng không có độc.
Rất đông người đồng bào các xã trên địa bàn bắt kiến vàng về ăn. Thậm chí, nhiều người còn đi bắt kiến mang bán cho các cơ sở chế biến đặc sản bò một nắng. Những cơ sở này sơ chế kiến mua được thành muối kiến rồi bán kèm bò một nắng.
Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Krông Pa có khoảng 20 cơ sở bán bò một nắng kèm theo muối kiến như thế. Các cơ sở chào mời với mức giá 600.000 đồng/kg và đồ ăn kèm theo là muối kiến được làm từ muối, ớt và kiến…
Mua muối kiến vàng Krông Pa
Theo chị Phạm Thị Ánh Nguyệt, chủ cơ sở bò một nắng Nguyệt Viên (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa), cơ sở bà làm bò một nắng được 9 năm nay. Đặc trưng của đặc sản bò một nắng là phải ăn kèm với muối kiến. Trước khi kinh doanh, gia đình bà đã thấy người đồng bào làm muối kiến và các cơ sở đã chế biến bò một nắng ăn kèm muối kiến nên khi mở tiệm, bà cũng làm theo.
Kiến vàng thì cơ sở bà thu mua của người địa phương đi bắt từ rừng về. “Người dân bắt xong thì mang kiến tươi đến nhà bán. Cứ khoảng 4kg tươi thì khi phơi lên sẽ được 1kg khô. Vào lúc mùa cao điểm, có ngày cơ sở của tôi thu mua nhiều nhất được khoảng 70kg kiến vàng tươi”, chị Nguyệt kể.
English version: bomotnangkrongpa.com/weaver-ant-a-delicacy-in-gia-lai
Tác giả: Hữu Phúc – sggp.org.vn