Rau rút nước bản thân cũng là một loại rau tương đối xa lạ với một số vùng miền. Loại rau này mới được trồng và bán rộng rãi mấy năm gần đây. Ví dụ như ở Hà Nội, trước kia chỉ có khu vực quận Hoàng Mai mới trồng loại rau này.
Rau rút – Đặc sản ngon tuyệt chỉ có ở vùng cao
Rau rút đồi lại càng hiếm và lạ đối với tất cả những ai chưa từng bước chân đến các vùng như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và sống với đồng bào dân tộc Nùng. Loại rau này còn hiếm hơn cả rau sắng (vùng Hòa Bình và khu vực chùa Hương), rau đắng (Thanh Hóa). Chính vì vậy, không nhiều người ở miền xuôi biết tới loại rau rừng này.
Khi bạn mới nhìn loại rau rau rút này, bạn sẽ nghĩ đó là một loại rau rừng không ăn được. Loại rau này mọc thành bụi xanh mướt, lá giống lá cây xấu hổ. Bà con dân tộc Nùng, đặc biệt ở vùng Hà Giang thường hái ngọn non của loại rau này về nấu canh hoặc xào ăn.
Rau rút đồi ăn thơm hơn, mùi quyến rũ hơn rau rút nước ở miền xuôi. Đây là món đặc sản mà bà con dân tộc Nùng sẽ đãi bạn trong bữa cơm khách.
Hà Giang, vùng đất nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc, vì thế mang những nét ẩm thực đặc trưng của cả 2 vùng. Bởi thế, lên Hà Giang không chỉ lên với cực Bắc Tổ quốc, lên với những cổng trời lộng mây trời, gió núi, mà bạn còn có cơ hội được thưởng thức những đặc sản địa phương, trong đó đặc biệt là những loại rau cực ngon, lạ.
Những đặc điểm của khí hậu đã sinh ra những món rau ngon nức tiếng, độc lạ từ tên gọi, như: Rau rút, rau khai, rau đắng, rau ngũ gia bì…Tất cả đều từ thiên nhiên trong lành đến độ, cứ nói đến rau Hà Giang là nói đến vùng đất của những loại rau rừng xanh sạch, ngon, bổ.
Những món rau rừng Hà Giang không chỉ làm người ta biết đến vùng đất cực Bắc của đất nước, mà còn biết đến một vùng văn hóa ẩm thực độc đáo.
Vào mùa Xuân – mùa của những làn sương đậm hơi ẩm trên đất Hà Giang. Đây cũng là mùa của sức sống bật dậy sau mùa Đông dài miền biên ải.
Rau rút – Đặc sản mà bà con dân tộc Nùng đãi khách, có tiền cũng khó mua
Giữa mùa Xuân ấm lên một chút nắng, đó là khi những ngọn cây rau rút vươn lên bên bờ suối. Sương ẩm và nguồn nước mát lành khiến những nhành cây rút xanh mướt mắt, chĩa ra bờ suối, nhử cả những đàn cá suối quanh quẩn phía dưới chờ đớp lá rụng.
Đặc biệt khi hái loại rau này ta thấy có một mùi rất khó chịu. Có lẽ vì lẽ đó mà nhiều người nghĩ rằng loại rau rừng này không ăn được.
Nhưng không chỉ có ăn được, mà khi ăn các món chế biến từ rau rút, đa phần người ăn sẽ chuyển từ trạng thái khó chịu sang thích thú, từ cảm giác về mùi hôi sang cảm giác về sự “thơm” ngon của món rau Hà Giang.
Từ những cánh lá nhỏ xíu của rau rút, người Hà Giang kết hợp để chế biến thành những món như rau rút xào trứng, rau rút xào thịt bò, thịt heo, rau rút nấu canh xương heo, rau rút nấu canh nậm pịa dê, nấu canh tiết dê, heo…
Những món ăn độc lạ này nếu bạn có dịp chỉ nhìn thấy sau những hành trình dài, mệt thì mọi khứu giác, vị giác như bừng tỉnh, rớt nước miếng. Khi ăn vào, tự dưng thấy người tỉnh táo, vì những mùi vị tưởng như khó ăn mà lại ngon không tưởng.
Theo Đông y, rau rút có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt độc, có tác dụng chữa chứng mất ngủ, trị nóng trong sinh mụn… làm thông huyết mạch, điều hòa tỳ vị, thông thủy đạo, lợi tiểu tiện, tiêu viêm, nhuận tràng, hạ sốt.