Vừa qua, sản phẩm bò một nắng Gia Lai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ. Đây là lợi thế lớn đối với các chủ sở hữu, giúp sản phẩm vươn xa, song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, ngành và địa phương trong vấn đề “tiếp sức” cho sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ.
Bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận
Theo các chuyên gia, Gia Lai có thuận lợi về mặt khí hậu để giống bò vàng địa phương sinh trưởng, làm nguyên liệu cho món thịt bò một nắng. Thời gian qua, việc chăn nuôi bò và sản xuất, kinh doanh bò một nắng đã thu hút nhiều cá nhân, đơn vị tham gia. Để hỗ trợ phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ cuối năm 2018, tỉnh đã triển khai dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) Bò một nắng Gia Lai.
PGS.TS Lê Thị Nam Giang, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL, chủ nhiệm dự án cho biết, sản phẩm bò một nắng Gia Lai được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì có hương vị thơm ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau, bảo quản được lâu và có thể dùng làm quà tặng trong dịp lễ, Tết. Hiện nay, Gia Lai có đàn bò hơn 200.000 con; trong đó, loại bò nguyên liệu có chất lượng tốt nhất tập trung ở các huyện miền núi, đặc biệt là huyện Krông Pa. Tại vùng này, bò được chăn thả tự nhiên, nguồn cỏ tự nhiên và có nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú giúp cho thịt bò săn chắc, thơm ngon và có hương vị đặc trưng riêng.
Sau 2 năm triển khai, cuối năm 2020, nhóm thực hiện dự án đã đăng ký thành công NHCN Bò một nắng Gia Lai, kèm theo đó là xây dựng hệ thống văn bản quản lý việc sử dụng NHCN phù hợp với thực tế sản xuất, chế biến tại địa phương như: Quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng NHCN; kiểm soát việc sử dụng NHCN, sử dụng tem nhãn sản phẩm mang NHCN, hệ thống biểu mẫu phục vụ công tác quản lý NHCN.
Cố gắng giữ thương hiệu được bảo hộ
Đại diện Sở NN-PTNT cho biết, việc đăng ký bảo hộ thành công NHCN cho sản phẩm bò một nắng là “bàn đạp” để nâng cao giá trị kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Sau khi bảo hộ thành công, việc duy trì, quản lý hiệu quả và phát triển NHCN tiếp tục được quan tâm để NHCN thực sự là công cụ hữu ích, hỗ trợ việc thương mại hóa sản phẩm.
Từ sự hỗ trợ của địa phương cũng như nỗ lực của các đơn vị sản xuất, kinh doanh bò một nắng, hiện nay sản phẩm này đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm bò một nắng trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chậm đổi mới hình thức, chất lượng không đồng đều. Kết quả khảo sát 100 đơn vị sản xuất kinh doanh bò một nắng, chỉ có 7 đơn vị đã đăng ký bảo hộ NHCN cho đơn vị mình, 17 đơn vị mong muốn sử dụng NHCN Bò một nắng Gia Lai; 19 đơn vị chấp nhận tuân thủ các quy định về chất lượng và quy trình sản xuất của chủ sở hữu NHCN.
Để quản lý và sử dụng hiệu quả NHCN, Sở NN-PTNT đã ban hành Quy chế kiểm soát việc sử dụng NHCN bò một nắng; Quy chế sử dụng tem nhãn sản phẩm mang NHCN Bò một nắng Gia Lai.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân mong muốn sử dụng NHCN Bò một nắng Gia Lai trước hết cần đảm bảo quy trình sản xuất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm bò một nắng đạt tiêu chuẩn; đồng thời gửi đơn đề nghị quyền sử dụng NHCN Bò một nắng Gia Lai đến Sở NN-PTNT. Sở NN-PTNT sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng NHCN nhằm đảm bảo các điều kiện sử dụng NHCN luôn được tuân thủ đầy đủ; hàng hóa, dịch vụ khi đưa ra thị trường đáp ứng các tiêu chuẩn đã được quy định.
Là đơn vị duy nhất được chọn triển khai thí điểm mô hình quản lý và sử dụng NHCN Bò một nắng Gia Lai, Công ty TNHH Đại Lộc Vina đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại để chế biến, đóng gói bò một nắng Krông Pa – Gia Lai. “Việc áp dụng mô hình quản lý sử dụng NHCN giúp chúng tôi tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động quảng cáo, quảng bá, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm bò một nắng của Gia Lai hơn”, ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lộc Vina cho biết.
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã khó, xây dựng và bảo vệ nó còn khó hơn rất nhiều. Vì vậy, sau khi được bảo hộ, các đơn vị sử dụng NHCN cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất bò một nắng cũng như kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường đạt tiêu chuẩn quy định.