Bò một nắng của Duân

Chuẩn bị phơi thịt bò sau khi tẩm ướp

Được đào tạo chuyên ngành Đông Phương học, sau khi ra trường làm… tư vấn xây dựng một thời gian rồi trở về quê nhà, anh khởi nghiệp bằng một loại đặc sản. Tự học mỗi ngày qua những trang sách và qua thực tế đời sống, doanh nhân trẻ Huỳnh Đức Duân xem tiền là phương tiện để thực hiện ước mơ của mình.

“Lối đi ngay dưới chân mình”

Phòng làm việc của Duân có rất nhiều sách được xếp ngay ngắn. Nói đến sách, Duân rất hào hứng, say sưa. “Đi siêu thị, lên mạng thấy có sách hay là tôi mua về. Tôi nghĩ sau khi tốt nghiệp, đi làm rồi về nhà mà không đọc sách, không tự học thì rất uổng. Tự học mới quan trọng! Ngày nào lên mạng đọc báo cũng thấy chuyện chém giết. Thay vì đọc những thông tin đó, mình đọc một cuốn sách không sướng hơn sao?”, Duân cười thật dễ mến. Và anh thổ lộ: “Tôi có những ước mơ không liên quan gì đến kinh doanh, tiền bạc”.

Duân đang kinh doanh, và sản phẩm do vợ chồng Duân mày mò tìm hiểu, làm ra đã có chỗ đứng ở nhiều thị trường trong nước. Đó là một hành trình không dài nhưng chẳng hề đơn giản đối với một người được đào tạo chuyên ngành Đông Phương học tại Trường đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Huỳnh Đức Duân làm việc ở một công ty sách khoảng 1 năm rồi chuyển sang làm tư vấn xây dựng. Tại TP Hồ Chí Minh, Duân gặp và đem lòng yêu một cô gái quê ở Hải Dương. Họ nên vợ nên chồng. Con gái đầu lòng của họ chào đời tại thành phố phương Nam, được ba mẹ trìu mến gọi là Lọ Lem.

Sau quãng thời gian mưu sinh trên đất Sài Gòn, đến năm 2012, Duân đưa vợ con về quê lập nghiệp. Ban đầu, anh kinh doanh hải sản nhưng rồi thấy mặt hàng này không “ăn” ở TP Hồ Chí Minh nên chuyển sang kinh doanh bò một nắng. Thời điểm đó, bò một nắng đã là món ngon được nhiều người Phú Yên ưa thích, nhưng đặc sản này chưa có sức lan tỏa mạnh ở thị trường ngoài tỉnh.

“Vạn sự khởi đầu nan”, tìm khách hàng ở một nơi như TP Hồ Chí Minh trong thời buổi cạnh tranh hoàn toàn không đơn giản. Vợ chồng Duân đã vượt qua những khó khăn của buổi ban đầu, rồi công việc kinh doanh dần thuận lợi.

Đầu năm 2013, Duân thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Diệp Bảo An (Công ty Diệp Bảo An), trụ sở công ty cũng là nhà, ở khu phố 1, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Tên của công ty được ghép từ tên hai đứa trẻ của vợ chồng Duân: Bảo Diệp và Bảo An.

Không muốn chỉ mua đi bán lại, hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp, khoảng 1 năm sau khi thành lập công ty, giám đốc Huỳnh Đức Duân quyết định tìm hướng đi mới cho Diệp Bảo An. “Tôi mày mò tìm hiểu và làm món bò một nắng đưa ra thị trường. Phải tự làm thì mới chủ động về nguồn hàng. Tôi làm bò một nắng theo cách riêng của mình, dần dần người ta ưa chuộng”, anh kể.

Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm

Chị Trần Thị Nga, vợ anh Duân, nói rằng để có món bò một nắng thật ngon, khâu chọn thịt rất quan trọng. Phải chọn thịt tươi, ngon. Vợ chồng Duân mua thịt bò đã được kiểm định của một người quen từ lò mổ, chỉ chọn thịt bắp và đùi dài. Hồi trước, cứ khoảng 5 giờ sáng thì họ sang lò mổ chọn thịt, giờ bạn hàng đã quen, biết ý rồi nên chọn và chở sang giao. Hai vợ chồng phân loại thịt, hàng nào đạt thì lấy, không đạt thì giao trả lại. “Thịt mua về đem rửa sạch, thái thành từng miếng vuông khoảng 10-15cm, dày khoảng 1,5cm, sau đó ướp gia vị hơn 2 tiếng đồng hồ mới vớt lên phơi hoặc sấy rồi đóng gói, đem đi hút chân không”, Nga cho biết.

Bò một nắng, ngon nhất là ăn với muối kiến vàng. Làm cái món phụ trợ này hóa ra lại cực hơn món chính! Kiến vàng do người dân ở huyện miền núi Sơn Hòa cung cấp. Vợ chồng Duân mua về thì sàng, chọn những con kiến nhỏ đem phơi, kết thúc khâu phơi lại đến khâu rang rồi xay sả, ớt… làm gia vị. “Làm muối kiến vàng cực lắm! Nhưng bò một nắng phải ăn với muối kiến mới ngon”, Duân cười.

Chuẩn bị phơi thịt bò sau khi tẩm ướp
Chuẩn bị phơi thịt bò sau khi tẩm ướp

Lúc mới làm đặc sản đất Phú, mỗi tuần vợ chồng Duân cho “ra lò” khoảng 2-3 mẻ, mỗi lần chừng 25kg, cung cấp cho bạn hàng ở một vài tỉnh, thành khác. Lý giải việc mới vào nghề đã chọn thị trường xa thay vì tìm khách hàng ngay tại địa phương, Duân cười: “Cả nước có 63 tỉnh thành, bán sao cho hết? Vậy thì cạnh tranh ngay tại địa phương làm gì. Tôi cung cấp bò một nắng đến các tỉnh, thành khác và bạn hàng phân phối lại”. Hiện tại, Công ty Diệp Bảo An có một đại lý độc quyền ở Hà Nội, 5, 6 điểm phân phối ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sản phẩm bò một nắng mang thương hiệu Diệp An của vợ chồng Duân cũng đã được khách hàng ở Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Phước… đón nhận.

Tại Tuy Hòa, bò một nắng của Công ty Diệp Bảo An có mặt tại Hòa Yên – điểm bán lẻ đặc sản Phú Yên trên đường Lê Duẩn (phường 7) của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hòa Yên. Chị Đoàn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc công ty này nói: “Bán đặc sản Phú Yên là một cách quảng bá hình ảnh của Phú Yên, nếu bán những sản phẩm không ngon, du khách mua về ăn không hài lòng thì sẽ mang tiếng. Vì vậy, chúng tôi phải chọn những sản phẩm có uy tín, chất lượng. Chúng tôi thấy sản phẩm bò một nắng Diệp An đảm bảo những yêu cầu về chất lượng nên chọn. Sau một thời gian bán và lắng nghe ý kiến của các khách hàng, tôi hài lòng”.

Bình quân mỗi ngày, Công ty Diệp Bảo An đưa ra thị trường khoảng 50kg sản phẩm bò một nắng mang thương hiệu Diệp An. Mùa tết thì sản lượng tăng gấp 2-3 lần.

Không dừng lại ở đó, vợ chồng Duân còn làm tôm một nắng, nai một nắng, song sản phẩm chính vẫn là bò. Những lát thịt bò một nắng được chọn lựa kỹ càng, tẩm ướp đúng điệu và đặc biệt là không có phẩm màu, chất bảo quản… Những lát thịt khi được nướng trên bếp than hoặc bếp điện, chúng dần dần đổi sắc, dâng lên một mùi thơm khó cưỡng. Và càng khó cưỡng hơn khi mùi thơm từ những sợi thịt bò một nắng được xé ra kết hợp với hương vị rất đặc trưng của muối kiến vàng…

Đi qua những ngày đầu khó khăn, Huỳnh Đức Duân đã tìm thấy và nắm bắt cơ hội phát triển thương hiệu Diệp An. Nhưng doanh nhân sinh năm 1983 này không nói nhiều về chuyện kinh doanh, lợi nhuận. “Tôi có những ước mơ không liên quan gì đến kinh doanh, tiền bạc. Tiền không phải là mục đích. Kinh doanh là để đầu tư một cái gì có ý nghĩa cho tương lai. Tiền là phương tiện để sống, để thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ của tôi từ trước đến nay vẫn là về giáo dục”, Duân chia sẻ.

“Huỳnh Đức Duân, Giám đốc Công ty Diệp Bảo An là một người vượt khó vươn lên. Duân không ngần ngại khi tiếp cận với một công việc mà nhiều người đã làm rất chuyên nghiệp. Sau một thời gian sản xuất đặc sản bò một nắng và phát triển ở các thị trường, đến nay bò một nắng Diệp An đã có chỗ đứng nhất định trong cả nước. Duân chọn phát triển các thị trường ngoài tỉnh là đúng hướng và chú trọng đến chất lượng hơn là chạy theo số lượng, cho nên sản phẩm bò một nắng Diệp An được khách hàng đánh giá cao. Sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được kiểm nghiệm từng đợt theo quy định.

Về phát triển thương hiệu, Duân đã chọn con đường đi đúng là lấy chất lượng để quảng bá thương hiệu, và thương hiệu Diệp An ngày càng đứng vững. Đến nay, Công ty Diệp Bảo An đã có được một số thị phần ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa… Hiện Duân có thêm một số sản phẩm mới như tôm một nắng, nai một nắng đưa ra thị trường và được đón nhận, nhất là tôm một nắng.

Công ty Diệp Bảo An khẳng định mình bằng chất lượng, từ đó thương hiệu đứng vững trên thị trường”.

Đặt mua bò một nắng:

Bò một nắng Krông Pa loại 1Kg

Muối kiến vàng tặng kèm:

Muối kiến vàng Krông Pa