Ẩm thực của người Mnông rất đa dạng và phong phú, từ các món ăn đến nhiều loại thức uống. Trong đó, các món ăn đậm đà ngày Tết của người Mnông thực sự rất thơm ngon, cuốn hút, mang hương vị của núi rừng. Đây cũng là những món ăn gắn liền với các lễ hội trong đời sống văn hóa của người Mnông
Nguyên liệu chuẩn bị nấu canh thụt
Canh thụt
Món ăn ngày Tết của người Mnông tiêu biểu nhất là canh thụt. Đây là món ăn độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng, với các nguyên liệu như lá bép, đọt mây, ớt và cà đắng. Phụ gia gồm có cá khô, sườn heo, mì chính, muối. Trước khi nấu, người Mnông vào rừng chọn một cây lồ ô có lóng dài, không già cũng không quá non, đem về cưa ra từng khúc 0,5 m. Sau đó, đồng bào cho tất cả nguyên liệu vào ống lồ ô, gác lên bếp lửa, nấu. Khi nấu, thỉnh thoảng phải cầm một chiếc que dài thụt vào ống để cho các thành phần của món canh chín đều, vì thế mới có tên là “canh thụt”.
Ngày Tết sum họp gia đình, người Mnông thường dành một ống canh thụt nấu riêng cho người lớn, thanh niên, trong đó ớt xiêm xanh rất nhiều. Đậm đà hơn là khi uống rượu cần có món ăn này làm mồi nhấm thì rất thú vị trên mâm cơm truyền thống của người Mnông.
Hấp dẫn món cơm lam của người Mnông
Cơm lam
Trong các ngày Tết, người Mnông thường nấu cơm nếp thay vì nấu cơm gạo tẻ và đặc sắc nhất là nấu theo cách thức truyền thống (nướng trên than hồng), còn gọi là nấu cơm lam. Họ dùng những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu ống, cho gạo nếp và nước vào, nút lại; sau đó đốt bằng lửa than. Nếp chín tỏa hương thơm, quyện với mùi của lồ ô tươi, khiến cho cơm lam có một hương vị đặc sắc, ngon hơn cơm nếp nấu bằng chõ hay nồi đồng.
Món canh
Món độc đáo thứ hai là canh. Nguyên liệu chính để nấu canh gồm có lá bép, bột gạo, vỏ chuối khô, thịt lợn, cá suối… Hái lá bép còn tươi, càng già càng tốt, về bỏ vào cối giã. Gạo đem ngâm nước lã một đêm trước, bỏ vào cối giã chung với lá nhao (lá bép khô, người Mnông cất trên gác bếp). Tất cả mọi thứ được giã nát thành bột, sau đó khuấy với nước ấm, đủ độ chín mới nêm gia vị, thịt, cá vào nồi. Đặc biệt là món canh này người Mnông không dùng muối. Họ phải lấy vỏ chuối khô hay rễ tranh, đốt cháy thành tro, giã nhỏ và lọc nước từ trước tết để cho vào canh tạo độ mặn. Người Mnông quan niệm, các cô gái phải biết nấu canh ngon mới là người trưởng thành, khi lấy chồng đủ sức đảm đang công việc nội trợ gia đình.
Và rượu Tết
Ngày Tết của người Mnông không thể thiếu rượu đãi khách đến nhà. Rượu Tết được nấu bằng thứ nếp ngon nhất, không nấu gạo tẻ hay ngô, sắn như ngày thường. Để nhắm rượu ngày Tết, người Mnông làm nhiều món thịt gà nướng, luộc; món cà đắng nấu lòng bò, gỏi đọt măng rừng, hay đánh tiết canh (dùng phèo lấy từ ruột heo đem băm sống và trộn với huyết). Ngoài ra, các món nướng khác như thịt heo băm nhỏ trộn với muối đựng trong ống tre rồi nướng; món thịt heo trộn với ruột non, gan, ruột già hỗn hợp đựng trong ống tre hoặc món gan và lá lách heo thái từng miếng nhỏ xiên vào que tre đem nướng.
Ngày Tết, người Mnông đặt các thức nhắm rượu trên lá chuối hột rừng hoặc trên mâm đồng hay trong một chiếc rá để chủ và khách vừa nhắm rượu, vừa chuyện trò. Ngày Tết, các món ăn của người Mnông không những đẹp mắt, ngon miệng, mà tất cả còn phải thể hiện đúng phong vị ẩm thực cổ truyền của họ, từ cách chế biến đến cách trưng bày, thết đãi theo truyền thống dân tộc.